Lý thuyết về tái sản xuất François_Quesnay

Trong tác phẩm nổi tiếng "Biểu đồ kinh tế" F. Quesnay đã phân tích một cách khoa học về vòng tuần hoàn của đời sống kinh tế, nghĩa là quá trình tái sản xuất xã hội. Điều đó có ý nghĩa cơ sở trong việc theo dõi và dự đoán những tỷ lệ trong cơ cấu kinh tế. Ông chỉ ra mối liên kết bằng một lập luận: "Tái sản xuất thường xuyên được tái lập bởi chi phí, và chi phí thì được tái lập bởi tái sản xuất".

Biểu đồ kinh tế phản ánh mối quan hệ qua lại giữa ba thành phần kinh tế chính: nông nghiệp, sở hữu đất và công nghiệp. Mối quan hệ đó được diễn giải qua ví dụ sau:

Tổng sản phẩm thuần được tạo ra từ nông nghiệp là 5 tỉ, trong đó 2 tỉ được trả cho chủ sở hữu đất, 1 tỉ chuyển tới ngành công nghiệp để đổi lấy công cụ sản xuất, thay thế phần hao mòn, 3 tỉ dành cho chi trả tiền công và các khoản khác thuộc vốn hằng năm (vốn lưu chuyển).

Phân phối sản phẩm thuần đó được Q. trình bày bằng sự biểu hiện bằng tiền như sau:

  • Thu nhập từ việc cho thuê đất của chủ đất là 2 tỉ, được chia thành 2 phần: 1 tỉ dùng để trao đổi sản phẩm công nghiệp, 1 tỉ dành cho sản phẩm nông nghiệp;
  • thu nhập của giới phi hữu ích (công nghiệp) là 2 tỉ, được dùng để mua nguyên vật liệu và sản phẩm nông nghiệp;
  • như vậy, thu nhập của chủ trang trại là 3 tỉ (1 tỉ từ giới chủ đất và 2 tỉ từ giới công nghiệp), lại quay vòng mới: 1 tỉ dùng mua dụng cụ sản xuất, 2 tỉ trả tiền thuê đất.

Qua sự diễn giải trên cho thấy F. Quesnay quan niệm tiền chỉ là phương tiện trao đổi, bản chất mua bán chỉ là sự đổi hàng trực tiếp, sản xuất chuyển biến thành thu nhập mà sự chi trả cho phép tiến hành một vòng tuần hoàn mới.[2]